MIẾU Ụ XÃ TRẤN DƯƠNG HUYỆN VĨNH BẢO DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP THÀNH PHỐ
Miếu Ụ xã Trấn Dương được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng di tích Lịch sử văn hóa ngày 01 tháng 01 năm 2005 tại quyết định số: 208
Di tích lịch sử văn hóa Miếu Ụ là nơi ghi dấu ấn, công lao của Quế Quận Công, người đã cùng dân làng cặp kè đê đá Ngãi Am thế kỷ thứ XVIII thời hậu Lê, (năm 1708) quãng đê đá dài 812 trượng rất là kiên cố, nhằm ngăn nước mặn từ biển vào đồng ruộng để nhân dân yên tâm sản xuất. Đây là một công trình trị thủy lớn nhất Miền Bắc thời bấy giờ. Đến thời nhà Nguyễn, đồng đất Trấn Dương đã trở nên phì nhiêu, đó là kết quả của một quá trình dài, qua nhiều thế kỷ quai đê lấn biển của cha ông ta.
Cụ Quế Quân Công tên thật là Nguyễn Đức Uyên, con thứ hai của Ân Đại Vương, Phụng sai đề lĩnh tứ thành quân vụ sự, kiêm trấn thủ, Hậu nội cai cơ, cơ quan tham đốc, các xứ; Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương, An Quảng, được tăng tả Đô Đốc Quế Quận Công, Nguyễn Đức Uyên, húy là Huyền, tự là Đoan Nghiêm, thuỵ là Trung Dũng phủ quân, mất ngày 21-11. Bà vợ chánh quận phu nhân, họ cao quý, Hiệu Diệu Ngọc, 14 người thiếp, tất cả sinh được 7 người con trai, 12 người con gái. Ông bẩm sinh, tinh nhanh võ nghệ cao cường, giỏi môn cưỡi ngựa, cầm giáo.
Khi thiếu thời chiêu tổ Khang Vương ở tả Quốc Danh, năm Canh Tý theo cha đi đánh Nguyễn Hiền ở các huyện; Nghi Xuân, Thiên Lộc, đến cửa Nhật Lệ bao phen ra sức, đến khi cha bỏ mình vì nước, ông được nổi cầm quân, khi trừ dòng dõi Nhà Mạc ở Cao Bằng, khi trừ đồn giặc ở Tuyên Quang, công danh ngày thêm rực rỡ, từng thăng lên Thiên vệ tước, thừa ủy chức châm bố chính, ngăn ngừa mọi sự được yên ổn, giặc cướp biệt tăm 3 năm. Song công việc về triều Quốc Vương hết lòng khen thưởng, đặc ân chức ĐỀ LĨNH TỨ THÀNH QUÂN VỤ SỰ. Khi nhân vương mới lên cầm quyền, có những nơi mới nổi lên giặc giã, ông được phân sai đi tiễu trừ, tất cả đều được bình định, triều đình ỷ lại vào ông, thăng cho ông chức ĐÔ ĐỐC THIÊN SỰ.
Tình nghĩa ngày thêm mật thiết, một ngày Chúa Trịnh ngự tại Thạch Các triệu trăm quan để xem môn cưỡi ngựa, cầm giáo của ông. Lúc bấy giờ Trung Quận Công rất giỏi về môn này, không ai giám đọ sức. Khi đang yên vui tại gia đình, Quốc Vương triệu đến kinh để khảo, ông dang tay nắm lấy trung công, đuổi ngựa ba vòng, rồi đẩy xuống sân đình các, Quốc Vương vỗ tay cười, đó thật là Thiên bồng, cháu quỷ. Từ đây về sau ông càng được quý trọng, chê bai dèm pha không nổi, Quốc Vương gả Công chúa Ngọc Muội cho ông, gia ban bổng lộc, yêu quý không ai bằng. Ông có 7 người con trai đều cho cầm quân, đầy nhà công hầu, vinh hiển.
Khi ở đất Hải Dương phụng mệnh đắp đê điều, ở cửa biển Thái Bình, rộng 582 trượng, thủy triều lên sâu 18 thước, thủy triều xuống sâu 12 thước, đường thủy cách tỉnh 3 ngày. Bên tả là địa giới huyện Thụy Anh, phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định, bên hữu là địa giới huyện Tiên Minh; trước có đường đê, thường bị nước biển đập lở, ông đã xuất tiền của nhà cùng Quan đề đốc Trần Bá Vĩnh người làng Dương Am dùng 300 chiếc thuyền chiến chở đá từ Hải Triều ( Đông Triều Quang Ninh ngày nay) và dùng tới 9 bè gỗ lim để cạp kè chỗ lầy thụt, dài 812 trượng ở cửa Ngãi Am, Tổng Cổ Am, huyện Vĩnh Lại rất là kiên cố, đê dài chạy sát mép sông, kiên cố như bức thành đồng...”nhằm ngăn nước mặn từ biển tràn vào đồng ruộng để nhân dân yên tâm sản xuất. Khi ông hóa thân nhân dân đội ơn, lập miếu thờ ông, hàng năm cúng lễ.
Với những thành quả và công lao to lớn của ông, đến đời Nhà Nguyễn năm Khải Định thứ 9 đã ghi sử sách để lại hậu thế và ban sắc phong tặng cùng đôi câu đối trong Miếu:
“ Lê Vĩnh Thịnh thất tải ký trúc thạch đê
Nguyễn Bảo Đại tam niên trùng tu miếu vũ”
Nghĩa là đời Vĩnh Thịnh thứ 7 bồi trúc đê đá, đời Bảo đại thứ 3 sửa lại Miếu.
Đến đời Khải Định thứ 9 Ban sắc phong: “Sắc ban cho xã Ngải Đông, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương hiện đang phụng thờ vị Tôn thần là Trúc đại thạch đê Quế Quận Công (có công đắp đê đá lớn). Ngài phù giúp nước, che chở dân, linh ứng tỏ rõ. Nay trẫm gặp lúc mừng thọ tứ tuần, bèn ban chiếu báu, mở rộng ân huệ, làm lễ đăng trật, gia phong cho ngài là “Đoan túc Dực bảo Trung hưng tôn thần”. Chuẩn y cho được phụng thờ thần giúp đỡ đất nước, bảo vệ cho dân. Vậy ban sắc!.”. Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).
Lễ Hội và lễ dâng hương kỷ niệm hằng năm được tổ chức vào ngày 21-11 âm lịch.


(Tiếp mục múa Bài ca dâng Bác của làng Giột – Việt Hùng Quế Võ Bắc Ninh)
Để thể hiện đạo lý” Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”
đối với các tiên nhân. Trong những năm qua Đảng ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ xã đã vận động nhân dân, con em xa quê, du khách thập phương ủng hộ xây dựng, tôn tạo, trùng tu khu Di tích ngày càng khang trang thành kinh đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của Nhân dân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên quê hương.
Thực hiện Nghị quyết số 22/2017-HĐND và Quyết định số 3318/2022 của UBND thành phố Hải Phòng về việc trùng tu tôn tạo Di tích, được sự nhất trí của Sở văn hóa & Thể thao, Sở kế hoạch đầu tư Hải Phòng, UBND huyện và Phòng văn hóa & TT huyện Vĩnh Bảo. Đảng ủy, UBND xã Trấn Dương đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức xây dựng cùng Công ty Cổ phần xây dựng công trình văn hóa Bảo Việtxã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo. Công trình được khởi công từ ngày 26/3/2022 (Tức 12/02 Nhâm Dần) và hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm ngày mất của Cụ Quế Quân Công 21-11AL. với kinh phí là trên1,7 tỷ đồng.

( Nhà Miếu được xây dựng năm 2022 theo Nghị quyết số 22/2017-HĐND và Quyết định số 3318/2022 của UBND thành phố Hải Phòng về việc trùng tu tôn tạo Di tích)

(Ảnh lãnh đạo hai xã Việt Hùng-Trấn Dương và đại diện Họ Nguyễn Đức trong lễ khánh thành nhà Miếu )

Để tri ân thành kính và biết ơn công lao của cụ Quế Quận Công, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, bảo tồn và phát huy các giá trị Di tích. Tháng 02 nhuận năm Quý Mão - 2023) Chuẩn Đô Đốc Phạm Văn Vững, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải Quân đã vận động các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, phát tâm đúc chuông, đúc khánh bổ sung thêm phần pháp khí thờ phụng thờ Cụ Quế Quận Công tại Di tích Miếu Ụ xã Trấn Dương

(Lầu Chuông)

( Lầu Khánh)

( Khuôn viên trước cửa Miếu)
Hơn 300 đã trôi qua, lịch sử đã trải qua bao biến cố thăng trầm, đê đá Ngãi Am chỉ còn in đậm trong ký ức của nhiều thế hệ, từ lớp người cao tuổi đến muôn đời con cháu mai sau.
Một đoạn đê dài gần 3 km được đóng cọc bằng gỗ lim với hàng vạn m3 đất đá được kè dưới sườn đê.
Tuy nhiên, đê đá Ngãi Am nay không còn nguyên vẹn, song cha ông chúng ta đã để lại một thành quả to lớn, đá được đưa vào xây dựng cống I huyện Vĩnh Bảo, tiêu thoát nước cho hàng vạn ha canh tác toàn huyện, đá xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, đá rải đường giao thông, đá xây trường, xây dựng hàng vạn ngôi nhà lớn nhỏ trên quê hương Trấn Dương và các xã lân cận.Nạn lụt lội, nước mặn tràn vào đồng ruộng không còn nữa, những cánh đồng hàng ngàn ha canh tác năm 2 vụ bội thu, làng xóm đông vui, diện mạo nông thôn ngày thêm đổi mới và đang từng ngày xây dựng đời sống văn hóa và cùng chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên quê hương./.