Chùa Quang Long xã Trấn Dương nằm ngay trung tâm xã, cách thi trấn Vĩnh Bảo khoảng 13km về phía Đông nam. Đây là một ngôi chùa cổ, có kiến trúc khá độc đáo, chùa có 5 nóc mái nên nhân đân quen gọi là chùa “5 nóc”.
Theo các cụ cao niên người địa phương cùng các tư liệu hiện còn bảo lưu tại di tích cho thấy chùa Quang Long có lịch sử xây dựng và tồn tại khá lâu dài gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất con người, truyền thống văn hoá cổ truyền nơi đây. Với kiến trúc vật chất hiện còn cùng quả chuông đồng treo tại chùa có niên đại đúc chuông vào thời vua Nguyễn Quang Trung, niên hiệu Cảnh thịnh thứ 6 (1789) thời Tây Sơn, chuông có tên là Quang Long tự chung (tức chuông chùa Quang Long). Thân chuông khắc bài Minh ghi rõ tên tuổi của các thiện nam, tín nữ người Trấn Dương và các vùng lân cận như Tiên Lãng, Thái Bình, Nam Định... đã đóng góp công, của để tu dựng chùa. Như vây, có thể khẳng định ít nhất vào thế kỷ 18, chùa Quang Long đã được khởi dựng và thời gian này tại khu vực Trấn Dương đời sống văn hoá Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư địa phương thông qua việc tô tượng, đúc chuông, kiến thiết cảnh chùa.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, của lịch sử đến nay ngôi chùa vẫn được bảo lưu khá nguyên vẹn.
Chùa Quang Long được xây dựng theo hướng Nam. Theo quan niệm của nhà Phật, hướng Nam là hướng của Bát nhã, hướng của trí tuệ, hướng phát triển về thực tâm. Đây là một kiểu kiến trúc cổ, làm hoàn toàn bằng gỗ lim, bố cục mặt bằng kiểu “nội công, ngoại quốc” gồm 5 gian bái đường, 2 dãy hành lang tả, hữu vu, 3 gian chính cung, giữa là giếng trời đón ánh sáng tự nhiên vào không gian thiêng của ngôi chùa. Bộ khung gỗ bên trong chủ yếu bào trơn, đóng bén, ít thể hiện các đề tài trang trí điêu khắc nghệ thuật nhưng bộ vì nóc mái lại làm theo kiểu vỉ ruồi mô típ kiến trúc thường thấy ở khu vực Trung Bộ, nơi thường xuyên chịu nhiều thiên tai, bão gió. Kiến trúc chùa không chỉ độc đáo ở bộ mái 5 nóc mà còn được nhiều người biết đến bởi sự ẩn tàng ý tưởng, thông tin. Đó là hệ thống thoát nước mưa có một không hai mà cho đến nay nhiều nhà khoa học đã để tâm nghiên cứu nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải, đòi hỏi chúng ta cần phải tiếp tục giải mã để làm sáng tỏ những giá trị của người xưa để lại.
Hệ thống tượng Pháp của chùa mang phong cách nghệ thuật khá đa dạng, không đồng nhất do thời gian được bổ sung cũng như dồn từ chùa khác về. Cung giữa là ban thờ Phật gồm có Thường trụ Tam thế tượng trưng cho sự tồn tại vĩnh hằng của Đức phật ở cả 3 thời quá khứ, hiện tại, tương lai. Bộ Di đà Tam Tôn với pho Adiđa được tạc cao to nhất Phật điện, tượng trưng cho ánh sáng của Phật pháp. Bên trái là Quan thế âm, hiện thân của sự từ bi. Bên phải là Đại thế chí tượng trưng cho trí tuệ. Tiếp đó là pho Quan âm quá hải có 8 đôi tay biểu hiện cho lòng từ bi, quảng đại của Phật ở mọi nơi. Rồi tượng Tuyết sơn có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình ở tư thế, dáng tượng mang đậm bản chất Đức Thích ca suy tư, tìm chân lý. Ngoài ra, trên phật điện còn các pho Ngọc hoàng, Nam tào, Bắc Đẩu, Đức Di lặc Bồ tát, Thích ca sơ sinh, 3 pho Thánh Tăng, 2 pho Khuyến thiện, Trừng ác.
Cung bên trái song song với bàn thờ phật là Ban thờ Đức Ông, mặt đỏ, râu dài mang dáng dấp vị quan đương thời.
Cung bên phải là Ban thờ Mẫu (Tam toà thành mẫu) là 3 vị nữ thần được thờ cúng phổ biến ở nhiều nơi. 3 gian nhà Tổ thờ vị sư tổ Thích Đàm An.
Ngoài hệ thống tượng phật trong chùa còn lưu giữ một số đồ thờ tự như hương án, bát hương, đài quả... đáng kể nhất là quả chuông đồng thời Tây Sơn gắn liền với lịch sử hình thành phát triển của làng xã, của ngôi chùa Quang Long. Tất cả những di vật, cổ vật cùng sự cổ kính, rêu phong đã phủ lên di tích này một lớp văn hoá thời gian rất có giá trị.Đặc biệt là sự quan tâm gìn giữ, bảo vệ của chính quyền địa phương cũng như nhà sư trụ trì Thích Hiền Lương cùng các tăng ni, phật tử địa phương, năm 2008 chùa Quang Long đã được UBND thành phố ra Quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố tại quyết định số: 888 ngày 30 tháng 5 năm 2008
Được sự nhất trí của các cấp chính quyền năm 2015 UBND x• ®• trùng tu tôn tạo di tích giữ nguyên trạng nền móng xưa kia. Cùng toàn bộ hệ thống tượng phật, đồ thờ tự như; hương án, bát hương, đài quả... gắn liền với lịch sử hình thành phát triển của làng xã, của ngôi chùa bằng nguồn kinh phí của Nhà nước và sự ủng hộ của Nhân dân phật tử, quý khách xa gần, con em người Trấn Dương đang công tác và sinh sống ở mọi nơi và nay lại tiếp tục phát tâm công đức ủng hộ.
Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện tinh thần gắn bó giữa Đạo và Đời, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên quê hương có ngôi chùa cổ, có bề dày lịch sử trên 300 năm, mà nhà nước đã xếp hạng Di tích; với phương châm:
“Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích là trách nhiệm của toàn dân” và “Đạo pháp dân tộc, chủ nghĩa xã hội”.
Ban quản lý Di tích làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích đã cùng Nhà chùa làm công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức, đến với phật tử và nhân dân, thế hệ trẻ đối với công tác bảo tồn Di tích của địa phương. Tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh công tác xã hội hoá, xây dựng các Di tích ngày càng khang trang đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại, cùng toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và chung sức xây dựng nông mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên quê hương./.