image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
ĐỀN CHÙA THÁI XÃ TRẤN DƯƠNG Điểm du khảo đồng quê, Di tích liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Lượt xem: 167

Đền Chùa thái xã Trấn Dương được Bộ văn hóa thể thao Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa ngày 12/12/1994 tại quyết định số:3.211/QĐ-BVHTT.

Đền chùa có diện tích: 15.285,3m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 12 tháng 8 năm 2014, trong khuôn viên chùa có các công trình; ngôi tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà Đền, nhà thờ mẫu…..

 Chùa chính là tòa chính điện được xây dựng vào thời Nhà Mạc thế kỷ XVI do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chọn đất, cắm hướng, kiến trúc theo kiểu chữ đinh, gồm 3 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, được thiết kế theo kiểu tứ trụ lòng thuyền, trải qua thời gian ngôi tam bảo đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần, lần gần đây là vào năm 2003, nhưng vẫn bảo tồn và giữ nguyên lối kiến trúc cổ và vẻ đẹp tôn nghiêm.

 Vị trí địa lý ngôi chùa Cụ Trạng đã viết (Theo truyền khẩu để lại):

 “Bến Hàn tai hổ

  Bến Cổ tai ngai

   Ba Ra ấp lại 

 Voi đồng trầu sang”

  Nghĩa là: (Bến Hàn bây giờ là cầu Hàn sang Tiên Lãng, Bến Cổ là câù Sông Hóa sang Thái Bình, Gảnh Ba Ra bên Thái Bình bây giờ là đồn biên phòng cửa biển C4, Voi Đồng là núi Voi An Lão nhìn sang)

Trước của chùa còn cây Thị cổ cùng thời Nhà Mạc có tuổi trên 400 năm  Cổng cũ không rõ niên đại và đã tồn tại hàng trăm năm

                   (Cây Thị cửa Tam Bảo có tuổi trên dưới 400 năm)

 

Chùa Thái Bình, xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo (Một di tích lịch sử văn hoá liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm)
 Chùa Thái Bình (xã Trấn Dương) là cách gọi quen thuộc của nhân dân địa phương. Tên chữ là “Thái Bình Tự”, tương truyền được xây dựng từ đời nhà Mạc do chính Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cắm đất dựng chùa. Gia phả họ Trần làng Dương Am còn ghi lại đoạn quan trọng liên quan đến ngôi chùa.“Trình Quốc Công tái khẩu, thỉnh cải các vị am hương, đương thời lập tự hải khẩu hiệu viết Thái Bình Tự dã, chính Đại đồng xứ...”

Chùa nằm trên một khu đất rộng tách bạch khu vực dân cư trù phú vùng ven biển. Từ quốc lộ 37, chạy dọc từ trung tâm huyện tới km cuối cùng của trục đường, từ xa ta đã nhìn thấy gác chuông chùa nổi bật trên một không gian thoáng rộng và đẹp mắt. Đó là một toà kiến trúc 3 tầng 8 mái sừng sững nhưng lại rất mềm mại bởi sự uyển chuyển của những mái đao cong vút. Tầng giữ được trổ 4 mặt thoáng, treo quả chuông đồng lớn, hàng ngày ngân lên những tiếng chuông chùa gợi cảnh ấm áp, thanh bình của một vùng quê yên ả.


 Qua tam quan là một quần thể di tích được ẩn mình dưới vườn cây cổ thụ cành lá xum xuê và được bố trí hài hoà với cảnh quan thiên nhiên. Trước chùa là cánh đồng lúa bát ngát gắn liền với những câu chuyện lịch sử oai hùng của địa phương. Bên phải là con sông đào Chanh Dương quanh năm tưới mát cho đồng ruộng. Bên trái là con đê Cổ Dương Am đồ sộ với bao huyền thoại khiến ta có cảm giác mình đang đứng trước một bức tranh khổng lồ, khung cảnh thật siêu thoát khiến cho tâm hồn ta như được gột rửa.

 Chùa chính quay hướng Tây, có quy mô vừa phải, gồm ba tòa nhà bố cục theo kiểu “ tiền nhất hậu đinh” với 5 gian tiền đường, 3 gian trung đường và 1 gian hậu cung. Nền các tòa nhà được làm cao dần từ ngoài vào trong. Điểm chú ý là ngôi chùa chính, mặt trước và sau của trung đường để thoáng, thông với mặt sau tiền đường và mặt trước hậu cung cũng để thoáng tạo ra một không gian sâu. Đặc biệt là một hệ thống cửa võng điệp trùng và hàng loạt những đôi câu đối sơn son thiếp vàng ốp khít trên các thân cột chùa khiến cho ta có cảm giác như đang lạc vào chốn thâm cung thật linh thiêng và huyền ảo. Hiện trong chùa còn lưu giữ được nhiều di vật, đồ thờ có giá trị. Đáng kể như: chuông đồng Tây Sơn (1798), chuông cao 105cm, đường kính 56cm, quai chuông tạo dáng 2 rồng đấu thân vào nhau. Trên chuông có nhiều gờ chỉ nổi, tạo nhiều ô lớn.

Trong các ô khắc ghi tên những người công đức đúc chuông; Hệ thống tượng pháp đẹp, trong đó pho tượng Tuyết Sơn được các nhà nghiên cứu đánh giá có giá trị rất cao về mặt nghệ thuật. Tượng nhỏ vừa phải (cao 60 cm, vai rộng 24 cm, là một trong những tác phẩm điêu khắc đẹp của nghệ thuật dân tộc thế kỷ 19. Kiểu dáng pho tượng có nhiều điểm tương tự như pho Tuyết Sơn chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội). Ở đây người tạc tượng đã nhấn mạnh sự khắc khổ của kiếp tu Ba-la-môn với cơ thể gầy gò, xương xẩu nhưng mặt tượng đầy chất tư duy, đậm tính nhân bản, rõ ràng mang đúng bản chất của Thích Ca đang suy ngẫm tìm chân lý. Trải qua thời gian chùa đã nhiều lần sửa chữa vào những năm 1940, 1960. Gần đây được sự quan tâm của Nhà nước vào năm 2003 tu sửa ngôi nhà Chùa, năm 2008 Bộ văn hóa xây dựng khuôn viên tường bao, cổng ngoài và tu sửa nâng cấp ngôi nhà Đền, năm 2010 xây dựng nhà thờ Tổ, Nhà thờ Mẫu do Thượng Tọa Thích Thanh Gác cắm hướng. Năm 2014 xây dựng cây đá qua ao và nền sân đá từ cồng ngoài vào cổng trong. Năm 2016 sửa chưa nên sân chùa, Giếng mắc Rồng và khuôn viên cây Thị. 2022 đúc Chuông nặng 700kg và khánh nặng 300kg, 2023 Thượng Tọa Thích Quảng Minh cắm hướng xây dựng thêm ngôi đền mới thờ Gia thất Nhà Trần như hiện nay. 
 Ở phía Bắc ngôi chùa còn lại dấu tích đàn quốc tế Hải thần. Theo truyền sử địa phương thì bắt nguồn cuối đời nhà Mạc, Mạc Mậu Hợp được Mạc Kính Điển đưa thoát qua cửa Thái Bình ra biển, sau đó về đây dựng đàn để hằng năm tế lễ tạ ơn.Ngày giỗ của Tổ sư đầu tiên được tổ chức vào ngày 18 tháng 3 (âm lịch) Ngày Hội chính vào 20/8 Âm lịch hàng năm thu hút rất đông nhân dân và du khách về dự hội.

Trải qua bao thế kỷ Chùa còn lưu giữ được nhiều di cổ vật quý đó là tháp Tổ hay hoành phi câu đối cổ với dòng chữ vàng nổi trên nền đỏ với nội dung về phật pháp uyên thâm, Đặc biệt còn một đôi câu đối là chữ viết của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm,và nhiều pho tượng cổ với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, uy nghiêm, cùng nhiều hiện vật khác. 

Ngoài Chùa còn là Đền: Ngôi Đền được xây dựng cách đây trên 700 năm để thờ người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tảng con thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Sau khi được phong Tiết Độ Sứ giao trấn giữ vùng Đông Bắc của Tổ Quốc. Năm Trùng Hưng thứ 4 (1228) quân Mông Nguyên lại kéo sang xâm lược nước ta, để thuận tiện cho việc vận chuyển quân lương, chỉ một đêm ông đã phát động Nhân dân và quân sĩ đào thành con sông cho tàu thuyền về Vạn Kiếp hội quân để đánh tan quân xâm lược Mông Nguyên ở thế kỷ thứ 13 và con sông đã được đặt tên là con sông Hóa nằm bao quanh xã Trấn Dương, đồng thời cho nhân dân qoai đê lấn biển lập lên làng mạc. Ông qua đời ngày 16/8/1313, thọ 61 tuổi lại linh ứng được Vua Trần truyền cho lập Miếu thờ và phong Thượng Đẳng Thần hàng năm cúng tế vào bậc Nhà nước. Nhân dân trong vùng ngưỡng mộ tôn thần hàng năm tế lễ vào ngày 20 tháng 8 AL

Đến đời Nhà Mạc thế kỷ 16, sau khi Mạc Mậu Hợp được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa thoát qua cửa Thái Bình ra biển về Kinh đô giữ yên ngôi vị, để tạ ơn thần dân nơi đây đã cứu giúp, Mạc Mậu Hợp đã nhờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cắm đất, dựng chùa và đặt tên ngôi chùa là “Thái Bình” 

 Đến ngày 20 tháng 7 năm 1924 Vua Khải Định ra chiếu ban ân khắp đất nước, phong sắc lệnh: “TRÁC VĨ RỰC BẢO TRUNG HƯNG THƯỢNG ĐẲNG THẦN”

 Chuẩn y cho Dương Am xã tiếp tục phụng thờ, thần sẽ giúp đỡ giữ gìn dân ta.

 Đến ngày 12/12/1994 Bộ văn hóa Thông tin Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa tại quyết định số:3.211/QĐ-BVHTT.

Lễ Hội hằng năm được tổ chức vào ngày 20 tháng 8 âm lịch, thường diễn ra trong 3 ngày. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm. 

Ngoài phần tế lễ, dâng hương, lễ hội còn tổ chức nhiều trò chơi như Đua thuyền, bóng chuyền, Chọi gà, Hội vật, hát chèo, hát quan họ,… Qui mô tổ chức Lễ Hội lớn sau lễ hội Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lễ hội thu hút được nhiều người dân, du khách trong và ngoài địa phương tới dự chiêm bái di tích.Ngoài lễ hội chính vào 20 tháng 8 âm lịch hàng những ngày Tết cổ truyền, ngày sóc, vọng nhân dân địa phương thường đến dâng hương lễ bái tại đền chùa Ngày nay nhân dân địa phương đang từng bước khôi phục kế thừa lại những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp của tiền nhân để lại.

 Trải qua thời gian năm tháng của lịch sử, ngôi chùa là nơi hoạt động bí mật của bộ đội, du kích trong kháng chiến chống Pháp, nơi xẩy ra cuộc chiến một mất, một còn giữa du kích địa phương với cuộc càn quét của quân Pháp từ Tiên Lãng tràn sang và cũng chính nơi linh thiêng này, là nơi tập kết của bộ đội chủ lực để triển khai cuộc chiến đấu đánh sân bay Cát Bi rực lửa, góp phần giải phòng Hải Phòng ngày 13/5/1955.Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước Ngôi đền chùa là nơi đón tiếp, tập kết của bộ đội tiên lửa phòng thủ cửa biển chặn đánh máy bay giặc Mỹ từ biển vào bắn phá Hải Phòng và miền Bắc nước ta. Những năm tháng xây dựng XHCN ngôi Đền chùa lại được làm trụ sở chính của bộ phim tài liệu “Người về đồng cói” năm 1973 của đạo diễn Bạch Diệp.

Hiện nay địa phương đang đề nghị với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Hội đồng Cây Di Sản Việt Nam lập hồ sơ đề nghị công nhận cây Thị cổ thụ tại khuôn viên Đền chùa Thái xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

 Cây Di sản Việt Nam được công nhận sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng nhân dân về bảo tồn di tích cây cổ thụ, nhân chứng xuyên thế kỉ tại địa phương. Từ đó phát huy các giá trị của cây cổ thụ để phục vụ cho các lợi ích xã hội, truyền thống tốt đẹp của cộng đồng nhân dân địa phương, góp phần làm giàu kho tàng di sản văn hóa của xã, bảo vệ đa dạng sinh học, đồng thời quảng bá tới du khách trong và ngoài nước về danh lam thắng cảnh của Đền chùa Thái xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo.

Trần Đình Hùng
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới